Mục lục [Ẩn]
Áp lực đồng trang lứa (hay peer pressure) là thuật ngữ đang được tìm kiếm rất nhiều trên mạng xã hội. Nó tác động đến mọi lứa tuổi, khiến họ hoài nghi về bản thân trước những thành công của người khác. Nếu bạn cũng đang có những cảm xúc như vậy, thì bài viết này dành cho bạn. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về áp lực đồng trang lứa và cách vượt qua nó.
Áp lực đồng trang lứa là gì?
Áp lực đồng trang lứa là gì?
Theo định nghĩa của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ: “Áp lực đồng trang lứa là tình trạng cá nhân chịu ảnh hưởng của những người trong cùng nhóm xã hội (như cùng lứa tuổi, cùng lớp, cùng công ty,...) và phải thay đổi bản thân để phù hợp với chuẩn mực của nhóm”.
Hiểu đơn giản hơn, nó là tình trạng một ai đó cảm thấy áp lực khi không đạt được những điều giống với bạn bè xung quanh và cố gắng thay đổi để đạt được điều đó.
Áp lực đồng trang lứa xảy ra ở hầu hết lứa tuổi, từ trẻ em đến người già.
Ví dụ:
- Trẻ em bị áp lực khi bị cha mẹ so sánh điểm số với các bạn khác, với “ con nhà người ta”.
- Những người trưởng thành và đi làm cảm thấy tự ti khi không đạt được thành công như những bạn khác cùng lứa tuổi.
Thanh thiếu niên là lứa tuổi dễ bị tình trạng này nhất vì có kinh nghiệm sống ít ỏi và dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh.
Áp lực đồng trang lứa khiến con người hoài nghi về bản thân, cố gắng thay đổi để chạy theo những chuẩn mực vô hình. Từ đó, họ quên đi giá trị và mục đích ban đầu của bản thân.
Nguyên nhân gây ra áp lực đồng trang lứa
Áp lực đồng trang lứa có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, phổ biến nhất là:
Cách giáo dục của cha mẹ
Cách giáo dục của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình hình thành tính cách của trẻ.
Cha mẹ Việt Nam hay có câu nói rất quen thuộc “ nhìn con nhà người ta kìa” khi muốn nhắc nhở con một điều gì đó. Dần dần, cách giáo dục này sẽ hình thành cho trẻ thói quen so sánh bản thân với người khác. Bị so sánh càng nhiều, trẻ càng tự ti, hoài nghi về bản thân và thấy mình thua kém với người khác. Việc cố gắng đuổi theo một hình mẫu lý tưởng như “con nhà người ta” sẽ khiến trẻ bị áp lực đồng trang lứa.
>>> Xem thêm: Nhận diện và đối phó với 10 kiểu nuôi dạy con độc hại của các bậc cha mẹ.
Hoàn cảnh gia đình
Hoàn cảnh gia đình là một nguyên nhân sâu xa khiến một người dễ bị áp lực đồng trang lứa. Gia đình khó khăn khiến tuổi thơ của họ bị hạn chế về nhiều mặt: trang phục, ăn uống, tiền bạc,...
Hoàn cảnh gia đình khác biệt khiến những đứa trẻ khó hòa nhập vào tập thể, ít dám thể hiện bản thân.
Lối sống tập thể
Những người phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng thường có lối sống tập thể. Họ mong muốn và khao khát được hòa nhập với tập thể, không muốn bị cô lập và bị bỏ lại phía sau. Do đó, hành vi, lời nói của họ thường dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh.
Lối sống tập thể làm gia tăng áp lực đồng trang lứa.
Mạng xã hội
Sự bùng nổ của mạng xã hội là con dao hai lưỡi. Về mặt tích cực, nó giúp cho bạn tiếp cận được nhiều thông tin hữu ích, giúp bạn kết nối với nhiều người hơn ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng về mặt tiêu cực, mạng xã hội sẽ làm gia tăng áp lực đồng trang lứa.
Mạng xã hội phát triển khiến việc một người so sánh bản thân với người khác diễn ra thường xuyên hơn, tạo nên áp lực đồng trang lứa.
Làm sao để vượt ra áp lực đồng trang lứa
Nhớ rằng bản thân là duy nhất
Mỗi người là một cá thể độc lập, có tài năng và mục đích sống riêng. Bạn không phải cố gắng để giống bất kỳ một ai khác.
So sánh bản thân với người khác chính là thói quen xấu làm áp lực đồng trang lứa trở nên tồi tệ hơn. Bạn hãy nhớ rằng: “Mọi sự so sánh là khập khiễng”. Mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau.
Vì vậy, thay vì so sánh bản thân với người khác, bạn hãy thử bình tâm và suy nghĩ lại mình thực sự thích điều gì, thế mạnh là gì. Bạn hoàn toàn có thể làm mình nổi bật và được công nhận thông qua chính những thế mạnh của bản thân chứ không phải chạy theo xu hướng để hòa nhập.
>>> Xem thêm: 5 điều nên làm thay vì so sánh bản thân với người khác.
Đặt ra một mục tiêu cụ thể
Nhiều người có xu hướng đặt mục tiêu của bản thân giống với bạn bè đồng trang lứa. Bởi họ cho rằng, đây chính là con đường duy nhất để đi tới thành công.
Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu rằng, mỗi người được sinh ra trên đời và mang trong mình một sứ mệnh khác nhau.
Bạn hãy đặt cho mình những mục tiêu cụ thể để biết được mình đang đi đến đâu trên con đường của bản thân này. Có mục tiêu và con đường cho riêng mình sẽ giúp bạn không phải nhìn vào con đường của người khác và áp lực nữa.
Hiểu rõ giới hạn của bản thân
Không có ai là hoàn hảo cả, ai cũng có những mặt tốt và mặt không tốt. Albert Einstein từng nói: “Nếu bạn đánh giá một con cá qua khả năng leo cây thì cả đời con cá đó sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”.
Thế nên, hãy lắng nghe để biết giới hạn của bản thân, hài lòng với những gì mình đang có. Bạn đừng cố gắng theo đuổi những mục tiêu nằm quá xa giới hạn đó, để rồi phải hụt hẫng, hoài nghi khi sự nỗ lực đó không mang lại cho bạn kết quả như mong muốn.
Yêu thương bản thân mình
Áp lực đồng trang lứa khiến bạn lúc nào cũng nỗ lực và nỗ lực không ngừng để bằng một hình mẫu nào đó. Điều đó khiến bạn dần quên mất việc phải yêu thương chính mình.
Luôn nhớ rằng bản thân mình mới là quan trọng nhất!
Bạn hãy nhớ rằng, bản thân mình mới là quan trọng nhất. Mỗi khi đạt được một thành công nào đó, bạn hãy dừng lại, khích lệ bản thân và tự thưởng cho mình một món quà nhỏ nào đó nhé!
Sử dụng mạng xã hội một cách thông minh
Để tinh thần không bị tiêu cực, luôn ám ảnh với những thành công của những người xung quanh thì bạn nên chọn những nội dung lành mạnh, giúp bạn phát triển bản thân một cách tốt hơn.
Ngoài ra, bạn hãy nhớ rằng, con người có xu hướng “Đẹp đẽ thì khoe ra, xấu xa thì đậy lại”. Do đó, bạn không cần phải choáng ngợp với thành công của người khác trên mạng xã hội, vì trong cuộc đời ai cũng có những điều như ý và không như ý.
Chia sẻ vấn đề với người thân
Nếu phụ huynh hay gia đình chính là một trong những yếu tố khiến bạn bị áp lực đồng trang lứa thì bạn hãy dành thời gian để nói chuyện thẳng thắn với người thân. Bạn hãy cho họ biết mong muốn, mục tiêu và con đường của bạn. Mọi người sẽ không thể biết bạn muốn điều gì nếu bạn không chia sẻ.
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về áp lực đồng trang lứa. Mỗi người đều có những giá trị riêng biệt, bạn hãy tìm ra giá trị của mình để tỏa sáng và tốt hơn mỗi ngày. Biết như thế nào là vừa đủ, hài lòng với những gì mình đang có, tận hưởng những giá trị tích cực trong cuộc sống sẽ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập