Mục lục [Ẩn]
Mang thai và sinh con là một hành trình rất dài và kỳ diệu với người phụ nữ. Bên cạnh những trải nghiệm vừa lạ lẫm lại vừa tuyệt vời khi được cảm nhận một mầm sống đang lớn dần lên từng ngày trong cơ thể mình thì đây cũng là lúc cơ thể người phụ nữ có rất nhiều sự thay đổi. Đánh đổi với chính sự hạnh phúc đó lại là một hiểm họa mang tên “Trầm cảm sau sinh”.
Trầm cảm sau sinh là gì?
Trầm cảm sau sinh (PPD) là một loại rối loạn tâm trạng xảy ra ở phụ nữ sau khi sinh con. Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần (DSM-5), đây là một loại trầm cảm có thể xảy ra trong vòng từ 4 đến 6 tuần sau khi sinh con. Tuy nhiên, cũng có thể mất vài tháng hoặc thậm chí đến 1 năm sau sinh mới xuất hiện.
Những người phụ nữ bị ảnh hưởng bởi tình trạng này sẽ cảm thấy buồn bã, lo lắng, năng lượng thấp, khó ngủ, tuyệt vọng và cáu kỉnh. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng chăm sóc trẻ sơ sinh và thực hiện công việc hàng ngày của họ. Những biểu hiện này cũng dễ bị nhầm lẫn với một tình trạng rất phổ biến khác ở phụ nữ sau sinh đó là “baby blues”.
Baby blues và Trầm cảm sau sinh
Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (NIMH), vì trẻ sơ sinh cần được chăm sóc liên tục nên đôi khi các bà mẹ cảm thấy mệt mỏi hoặc choáng ngợp là điều bình thường. Nếu kéo dài trong vài ngày thì hiện tượng này được gọi là “baby blues”.
Tuy nhiên, nếu tâm trạng thay đổi và cảm giác lo lắng hoặc buồn bã nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn 2 tuần thì người phụ nữ có thể bị trầm cảm sau sinh và tình trạng này nguy hiểm hơn rất nhiều.
Triệu chứng của trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh có thể có những triệu chứng khác nhau với mỗi cá nhân. Tuy nhiên, một số triệu chứng phổ biến có thể xảy ra trong vài tuần đầu sau khi sinh, bao gồm:
1. Triệu chứng thực thể
- Mất năng lượng, mệt mỏi hoặc kiệt sức
- Bồn chồn
- Thường xuyên khóc
- Chán ăn hoặc ăn quá nhiều
- Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều
- Đau nhức không rõ nguyên nhân
- Thay đổi cân nặng
- Nhức đầu
- Rối loạn tiêu hóa
2. Triệu chứng về cảm xúc, tâm lý
- Cảm giác buồn bã và đau khổ
- Cảm giác tuyệt vọng và bất lực
- Cảm thấy tách rời hoặc ngắt kết nối với em bé
- Xa lánh xã hội
- Khó chịu và tức giận
- Cảm giác tội lỗi, xấu hổ và vô dụng
- Mất hứng thú với những sở thích và hoạt động thú vị
- Nghi ngờ về việc không phải là một người mẹ tốt
- Khó tập trung, ghi nhớ và đưa ra quyết định
- Cảm giác mất kiểm soát
- Sợ ở một mình với con
- Có những suy nghĩ làm hại bản thân hoặc đứa trẻ
- Ý nghĩ tự_tử
Xin mời các bạn theo dõi bài viết: 7 dấu hiệu trầm cảm sau sinh cần nhận biết sớm.
Nguyên nhân, yếu tố rủi ro gây trầm cảm sau sinh
Nguyên nhân chính xác cho sự phát triển của trầm cảm sau sinh vẫn chưa được biết rõ ràng. Tuy nhiên. người ta tin rằng sự kết hợp của các yếu tố khác nhau dẫn đến sự phát triển của chứng rối loạn tâm trạng này. Một số nguyên nhân, yếu tố rủi ro bao gồm:
1. Rối loạn nội tiết
Sinh con dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ về nội tiết tố trong cơ thể. Những thay đổi về hormone như progesterone và estrogen thường có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh. Khi mang thai, nồng độ của các hormone này tăng cao hơn bình thường. Tuy nhiên, trong vòng 24 giờ sau khi sinh, nồng độ estrogen và progesterone giảm xuống dưới mức bình thường.
Sự thay đổi đột ngột như vậy có thể gây ra trầm cảm. Hơn nữa, nhiều loại hormone do tuyến giáp tạo ra cũng có thể thay đổi đáng kể khiến người mẹ mới sinh cảm thấy chán nản, mệt mỏi và thờ ơ.
2. Yếu tố cảm xúc của người mẹ
Một số yếu tố cảm xúc có thể dẫn tới trầm cảm sau sinh như:
- Mang thai ngoài ý muốn
- Khó khăn trong việc thích nghi với việc sinh con và cuộc sống mới sau khi sinh
- Người mẹ mắc một bệnh lý nào đó và không thể tự chăm sóc con mình, điều này khiến họ cảm thấy buồn bã, tội lỗi, xấu hổ và tức giận với chính bản thân mình. Những cảm xúc tiêu cực như vậy có thể ảnh hưởng lớn tới khả năng đối phó với căng thẳng của người mới làm mẹ và lòng tự trọng của họ.
- Một số bà mẹ khó chấp nhận giới tính của đứa trẻ cũng dễ dẫn đến trầm cảm
- Những bà mẹ từng bị lạm dụng tình dục trong thời thơ ấu
Xin mời các bạn theo dõi bài viết: 7 loại tổn thương trong những ngày thơ ấu và cách vượt qua chúng.
3. Yếu tố lối sống
Trong khi chăm sóc trẻ sơ sinh, người mẹ thường không thể ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hoặc có thời gian để chăm sóc sức khỏe và tinh thần của chính mình. Điều này sẽ góp phần rất lớn vào sự phát triển của trầm cảm sau sinh.
4. Yếu tố xã hội
Đây được xem là yếu tố lớn nhất trong những nguyên nhân gây trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Trong đó, sự thiếu quan tâm từ người chồng, căng thẳng trong các mối quan hệ giữa người phụ nữ và gia đình nhà chồng hoặc chính gia đình mình là những điều thường gặp nhất.
Thiếu sự quan tâm từ người chồng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến trầm cảm sau sinh
Việc thiếu sự hỗ trợ, quan tâm từ các thành viên trong gia đình, bạn bè và người khác khiến người phụ nữ sau sinh bị tủi thân, suy nghĩ quá mức và dễ nảy sinh những suy nghĩ, hành vi sai lầm, từ đó dẫn đến trầm cảm.
Ảnh hưởng của trầm cảm sau sinh
Tình trạng này có thể ảnh hưởng xấu đến tình cảm mẹ con và khả năng chăm sóc trẻ sơ sinh của người mẹ. Hơn nữa, điều này cũng có thể gây ra các vấn đề xung đột hôn nhân và gia đình. Bạn nên nắm được những tác hại của trầm cảm sau sinh sau đây.
1. Phát triển chứng trầm cảm mãn tính
Trầm cảm sau sinh có thể kéo dài vài tháng hoặc thậm chí lâu hơn nếu không được điều trị. Nếu không có sự trợ giúp và chăm sóc chuyên nghiệp, trầm cảm sau sinh có thể dẫn đến chứng trầm cảm nặng (trầm cảm mãn tính).
2. Biến chứng cho trẻ em
Khi trầm cảm sau sinh không được điều trị ở các bà mẹ thì đứa trẻ cũng có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề sức khỏe do không được chăm sóc đầy đủ như khóc quá nhiều, rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, khó khăn trong phát triển ngôn ngữ, đối phó với căng thẳng và thích nghi với xã hội kém hơn…
Nguy hiểm nhất, khi người mẹ bị trầm cảm sau sinh ở mức độ nặng, họ có thể có những suy nghĩ và hành vi gây tổn hại nghiêm trọng tới đứa trẻ.
Chẩn đoán trầm cảm sau sinh
Tiêu chí chẩn đoán trầm cảm sau sinh cũng tương tự như trầm cảm nặng hoặc bất kỳ chứng trầm cảm không liên quan đến sinh nở nào khác. Tuy nhiên, ít nhất 5 triệu chứng sau đây sẽ xuất hiện trong vòng 2 tuần kể từ khi khởi phát:
- Cảm giác buồn bã, tuyệt vọng hoặc trống rỗng trong hầu hết thời gian
- Mất hứng thú hoặc thiếu niềm vui trong các hoạt động
- Thay đổi tính chất giấc ngủ
- Giảm sự thèm ăn hoặc giảm cân
- Mất năng lượng
- Bồn chồn
- Cảm giác tội lỗi hoặc vô giá trị
- Tăng sự thiếu quyết đoán hoặc mất tập trung
- Suy nghĩ và xu hướng tự sát
Để xác định chính xác hơn mình có bị trầm cảm sau sinh hay không và mức độ như thế nào, bạn có thể thực hiện Bài test trầm cảm Burns.
Điều trị trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Ngay khi bạn nhận thấy mình có những dấu hiệu tương tự hoặc đã thực hiện Bài test trầm cảm Burns, hãy tìm tới sự giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý.
Liệu pháp tâm lý và thuốc chống trầm cảm là những phương thức điều trị chính dành cho chứng trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ và biểu hiện của từng người bệnh cụ thể và chuyên gia tâm lý sẽ đưa cho bạn chế độ điều trị thích hợp nhất.
Bất cứ người phụ nữ nào cũng đều có thể bị ảnh hưởng bởi trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, đây là một căn bệnh hoàn toàn có thể điều trị được nếu chúng ta phát hiện kịp thời và có biện pháp can thiệp hiệu quả dưới sự giám sát của chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Cám ơn các bạn đã đón xem!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập