Mục lục [Ẩn]
Hội chứng tự hại (ngược đãi) bản thân là một hành vi phổ biến bắt nguồn từ nhiều chứng rối loạn tâm thần ở trẻ em, thanh thiếu niên và người cao tuổi. Họ coi đây là cách để giải tỏa tâm lý, làm dịu một nỗi đau tinh thần nào đó mà họ đang phải chịu đựng. Nhưng thực tế, hành vi này nguy hiểm tới đâu?
Tự ngược đãi bản thân là gì?
Hội chứng tự ngược đãi bản thân, hay tự hại (self - harm) là một dạng rối loạn tâm thần đặc trưng bởi các hành vi tự gây tổn hại về thể chất và tinh thần như cắt da bằng những vật sắc nhọn, cào cấu bản thân, tự đập đầu vào tường, tự tát vào mặt…
Những hành vi này là cách mà người bệnh đối phó với sự tức giận, thất vọng về bản thân và những nỗi đau tinh thần không thể giải tỏa. Hành vi tự hại được xem là có thể giúp họ mang lại cảm giác bình tĩnh, thoải mái và được xoa dịu trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng kéo sau đó là cảm giác xấu hổ, tội lỗi và đau đớn.
Tuy nhiên vì họ không biết làm thế nào để giải tỏa nỗi đau mình đang mang một cách lành mạnh nên người mắc chứng bệnh này thường lặp đi lặp lại hành vi tự ngược đãi bản thân nhằm giải tỏa tâm lý. Mặc dù không có chủ đích tự sát nhưng theo thời gian, các hành vi tự hại có xu hướng tăng dần về mức độ nhằm đáp ứng được nhu cầu giải tỏa của người bệnh. Đến một lúc nào đó, khi những hành vi tự hại vẫn không thể giúp họ giải tỏa, họ sẽ nghĩ tới tự sát.
Một số quan niệm sai lầm về hội chứng tự hại bản thân
Tự hại bản thân là một tập hợp những hành vi rất phức tạp nên do đó có sự tồn tại của nhiều quan niệm sai lầm xung quanh nó:
1. Tự hại không phải là hành vi tự_tử
Tự ngược đãi bản thân dù có liên quan đến rất nhiều trường hợp tử vong do hội chứng này nhưng thực tế thì nó không phải một hành động tự sát. Đó được coi là một chiến lược nhằm đối phó với các tình huống khó khăn liên quan đến đau khổ về cảm xúc, rối loạn tâm thần, cố gắng vượt qua nỗi đau buồn…
2. Tự hại không phải là hành vi thu hút sự chú ý
Lâu nay rất nhiều người trong số chúng ta vẫn lầm tưởng rằng hành vi tự làm hại bản thân là nhằm mục đích tìm kiếm sự chú ý từ người khác. Nhưng thực tế, người tự làm hại bản thân ý thức được tất cả những gì họ đang làm và họ hoàn toàn không tìm kiếm sự chú ý từ ai cả.
Họ cảm thấy xấu hổ và tội lỗi vì vết thương đã gây ra và cố gắng hết sức để che giấu hành vi của mình bằng cách đưa ra những lời giải thích thay thế hoặc mặc quần áo che giấu vết thương.
Tự ngược đãi bản thân không phải hành vi nhằm thu hút sự chú ý
3. Tự ngược đãi bản thân không phải là niềm vui
Người tự làm hại bản thân coi những hành vi của họ là một cơ chế đối phó với sự đau khổ về cảm xúc chứ không phải niềm vui. Họ cảm nhận nỗi đau phải chịu đựng trong quá trình bị thương như một thứ gì đó giúp giảm bớt sự kích động về tinh thần, giúp họ bày tỏ những cảm xúc bị kìm nén.
4. Tự ngược đãi bản thân là hành vi phi giới tính
Phụ nữ từng được cho là dễ mắc hội chứng này hơn. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy cả nam giới và nữ giới đều mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân với mức độ tương đương nhau. Tuy nhiên, thanh thiếu niên thuộc cộng đồng LGBTQ+ được báo cáo là có nguy cơ tự làm hại bản thân cao hơn khoảng 2-4 lần so với thanh niên không phải LGBTQ+.
Các triệu chứng tự làm hại bản thân
Hội chứng tự ngược đãi bản thân đặc trưng bởi các hành vi tự làm đau bản thân và một số hành vi gây tổn hại về tinh thần. Các hành vi này có thể khác nhau về hình thức, mức độ và tần suất ở từng trường hợp. Một số triệu chứng điển hình có thể kể tới như:
- Dùng dao hoặc các mảnh chai rạch, cắt cổ tay. Nhát cắt không quá sâu nhưng có gây chảy máu.
- Nhịn ăn với mục đích bỏ đói bản thân
- Cào rách da bằng móng tay
- Tự nhổ tóc
- Đập đầu vào tường, tự đánh và tát bản thân
- Dùng que diêm hoặc tàn thuốc lá ấn trực tiếp lên da
- Lạm dụng chất kích thích hoặc cố ý sử dụng một số loại thuốc gây nghiện
- Một số người có thể tự ngược đãi tinh thần bằng cách tưởng tượng bản thân mình rơi vào một hoàn cảnh khổ sở nào đó
Bên cạnh các hành vi tự làm hại bản thân, người bệnh cũng có thể có một số trạng thái cảm xúc tiêu cực như: dễ nổi nóng, tức giận, chán nản, buồn bã, lo âu, căng thẳng, mất ngủ…
Nguyên nhân gây hội chứng tự ngược đãi bản thân
Hội chứng tự ngược đãi bản thân thường xuất hiện ở những đối tượng có kỹ năng đối phó với nỗi đau kém, không được giáo dục trong môi trường lành mạnh và thiếu đi tình yêu thường từ cha mẹ. Tỷ lệ mắc bệnh chủ yếu tập trung ở trẻ vị thành niên và đầu độ tuổi trưởng thành hoặc một số ít khác xuất hiện ở người cao tuổi. Do đó, sự thay đổi của nội tiết cũng được xem là một yếu tố nguy cơ.
Những nguyên nhân và yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của hội chứng tự ngược đãi bản thân bao gồm:
- Tổn thương thời thơ ấu: Đa phần trẻ trong độ tuổi vị thành niên hoặc đầu độ tuổi trưởng thành phát triển chứng tự ngược đãi bản thân là những người đã từng trải qua những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu. Họ có thể bị bỏ bê bởi cha mẹ; bị lạm dụng về thể chất, tinh thần, tình dục; sống trong một gia đình đổ vỡ có bố mẹ ly hôn; gia đình có bố/mẹ nghiện rượu, nghiện ma túy; bị bạo lực học đường…
Tự ngược đãi bản thân đa phần phát triển ở trẻ có tổn thương thời thơ ấu
- Thiếu sự giáo dục từ gia đình, nhà trường: Khi trẻ ở độ tuổi vị thành niên, đây là giai đoạn thường có những suy nghĩ lệch lạc, dẫn tới bế tắc trong giải quyết vấn đề. Nếu nhận được sự quan tâm, chia sẻ đúng mực từ phía gia đình và nhà trường thì những vấn đề sẽ dễ dàng được tháo gỡ. Nhưng ngược lại, nếu những đứa trẻ đó không được giáo dục đầy đủ, trẻ có thể nảy sinh hành vi chống đối và ngược đãi bản thân.
- Ảnh hưởng từ bạn bè: Nếu trẻ kết bạn với những người cũng có hành vi tự hại bản thân thì trẻ cũng sẽ dần hình thành lối suy nghĩ và hành vi tương tự.
- Các vấn đề tâm lý: Hành vi tự ngược đãi bản thân được xem là triệu chứng phổ biến ở một số tình trạng rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, rối loạn hưng trầm cảm…
Xin mời bạn xem thêm bài viết: Nhận diện và đối phó với 10 kiểu nuôi dạy con độc hại của các bậc cha mẹ.
Điều trị hội chứng tự hại bản thân
Phương pháp điều trị chính của hội chứng tự ngược đãi bản thân tập trung vào việc trị liệu tâm lý nhằm thay đổi thói quen tự làm hại, đồng thời giáo dục phát triển nâng cao kỹ năng kiểm soát cảm xúc. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể được điều trị thêm một số loại thuốc hóa dược nếu họ có bệnh lý rối loạn lo âu hoặc trầm cảm đi kèm.
1. Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là ưu tiên hàng đầu trong điều trị tất cả các bệnh lý rối loạn tâm thần nói chung và hội chứng tự ngược đãi bản thân nói riêng. Việc điều trị nhằm giúp bệnh nhân thay đổi tư duy coi hành vi tự ngược đãi là để giải tỏa những nỗi buồn của họ. Khi tư duy họ thay đổi thì họ sẽ không còn lặp lại hành vi tương tự nữa.
Bên cạnh đó, trị liệu tâm lý cũng nhằm mục đích nâng cao kỹ năng sống, giúp người bệnh học được cách đối phó với những nỗi đau, biết cách điều tiết cảm xúc của mình. Với trẻ đang trong độ tuổi vị thành niên thì hoạt động này cần sự phối hợp chặt chẽ từ phía gia đình và nhà trường.
Một số liệu pháp tâm lý thường được áp dụng nhất bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Liệu pháp này giúp người bệnh xác định được hành vi tự làm hại bản thân để giải tỏa nỗi đau là không lành mạnh, thay vào đó họ nên tìm gặp một ai đó để chia sẻ, tâm sự.
- Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT): Liệu pháp này nhằm mục đích nâng cao kỹ năng sống cho người bệnh, giúp họ có thêm biện pháp đối phó với nỗi đau, điều chỉnh tâm trạng, cải thiện các mối quan hệ xã hội.
- Liệu pháp trị liệu gia đình tích hợp: Những biện pháp bên trên hướng tới thay đổi trên cá nhân người bệnh, còn liệu pháp trị liệu gia đình tích hợp là biện pháp hướng tới gia đình người bệnh. Nó giúp bố mẹ hiểu hơn về con cái mình, dành nhiều sự quan tâm hơn tới con cái và thay đổi phương pháp giáo dục sao cho phù hợp, khoa học hơn.
Trị liệu gia đình là điều không thể thiếu trong điều trị chứng tự ngược đãi bản thân
2. Sử dụng thuốc
Hội chứng tự ngược đãi bản thân thường phát triển trên những người mang các bệnh lý rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm. Vì vậy nên thuốc dùng trong điều trị hội chứng này cũng chính là nhóm thuốc chống trầm cảm.
3. Biện pháp chăm sóc bản thân
Bên cạnh hai phương pháp chủ đạo như trên thì người bệnh cũng cần áp dụng những biện pháp chăm sóc bản thân nhằm giúp họ bình tĩnh hơn, cải thiện triệu chứng tốt hơn. Một số phương pháp điển hình có thể kể tới như: tập thiền, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể thao, kiêng tuyệt đối rượu bia và chất kích thích…
Tự hại bản thân là tình trạng rối loạn tâm lý phổ biến nhất ở đối tượng trẻ vị thành niên và đầu độ tuổi trưởng thành. Nguyên nhân chủ yếu là do những tổn thương trong thời thơ ấu, không được gia đình và nhà trường giáo dục đúng cách. Do đó, quan tâm hơn tới con cái, thay đổi cách thức giáo dục chính là những biện pháp quan trọng nhất nhằm phòng ngừa và cải thiện bệnh. Cám ơn các bạn đã đón xem!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập