Mục lục [Ẩn]
Thời thơ ấu là một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của chúng ta và những trải nghiệm mà chúng ta có trong giai đoạn này sẽ định hình nên tính cách và thế giới quan của mỗi người. Thật không may, tuổi thơ của một số người lại có những tổn thương và để lại những vết sẹo khó lành. Có 7 loại tổn thương trong những ngày thơ ấu có thể tác động sâu sắc đến sự phát triển của trẻ và cuộc sống của trẻ trong tương lai.
Tổn thương trong những ngày thơ ấu là gì?
Tổn thương những ngày thơ ấu là những trải nghiệm có thể gây ra nỗi đau tinh thần ở trẻ em trong độ tuổi từ 0 đến dưới 18 tuổi. Những tổn thương này tác động sâu sắc đến bộ não đang phát triển ở trẻ và ảnh hưởng đến hành vi, các mối quan hệ và sức khỏe tổng thể của trẻ.
Ví dụ, trẻ nhỏ có thể trở nên quá cảnh giác, dễ bị kích động hoặc gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc của mình, trong khi trẻ lớn hơn có thể có những hành vi nguy hiểm như bạo lực, tự làm hại bản thân hoặc khó xây dựng các mối quan hệ cá nhân lành mạnh và gần gũi.
Những tổn thương này xảy ra trong bất kỳ môi trường nào, kể cả ở nhà, trường học hoặc cộng đồng. Đời thời, chúng cũng ảnh hưởng đến mọi đứa trẻ, bất kể xuất thân hay địa vị xã hội của chúng. Đáng nguy hiểm hơn, tổn thương không chỉ tác động tới tâm lý và sức khỏe của trẻ trong những ngày thơ ấu mà còn ảnh hưởng lâu dài và để lại những hệ lụy nghiêm trọng khi đứa trẻ đó đã trưởng thành.
Bây giờ, hãy cùng tìm hiểu 7 loại tổn thương thời thơ ấu phổ biến nhất.
7 loại tổn thương trong những ngày thơ ấu phổ biến nhất
1. Lạm dụng thể xác (bị bạo hành)
Lạm dụng thể xác là một trong những hình thức tổn thương những ngày thơ ấu rõ ràng và phổ biến nhất. Nó liên quan đến việc cố ý sử dụng vũ lực để gây thương tích cho trẻ em. Lạm dụng thể chất có thể do cha mẹ, người chăm sóc hoặc người lớn khác gây ra trong cuộc sống của trẻ.
Trẻ bị lạm dụng thể chất trong những ngày thơ ấu có nguy cơ phát triển một loạt các vấn đề sức khỏe tâm thần khi trưởng thành bao gồm: trầm cảm, lo lắng và rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Những đứa trẻ bị bạo hành thường sẽ mang lòng tự trọng thấp, chúng luôn cảm thấy xấu hổ, tội lỗi về bản thân và gặp khó khăn trong việc hình thành các mối quan hệ lành mạnh khi trưởng thành.
2. Lạm dụng tình dục
Vấn đề gây bức bối thứ hai đó là lạm dụng tình dục trẻ em trong những ngày thơ ấu. Khác với người lớn, trẻ em không có khả năng tự vệ hay lên tiếng trước những hành vi xâm hại từ người lớn do chưa đủ nhận thức về vấn đề này hoặc bị đe dọa.
Lạm dụng tình dục gây ám ảnh lâu dài tới tâm trí của trẻ em
Ảnh hưởng của lạm dụng tình dục với sức khỏe tâm thần của trẻ rất sâu sắc và lâu dài. Trẻ em bị lạm dụng tình dục có nguy cơ cao bị trầm cảm, rối loạn lo âu và PTSD. Họ cũng phải vật lộn với các vấn đề rối loạn chức năng tình dục, lạm dụng chất kích thích, tự làm hại bản thân hoặc khó khăn trong xây dựng các mối quan hệ khi trưởng thành.
3. Lạm dụng tình cảm
Đây là một trong những loại tổn thương thời thơ ấu phổ biến nhất gây ra cho trẻ em. Lạm dụng tình cảm là bất kỳ hành vi nào gây tổn hại đến sức khỏe hoặc sự phát triển tình cảm của trẻ. Điều này có thể bao gồm bạo hành bằng lời nói chẳng hạn như dùng từ ngữ lăng mạ hoặc nó cũng có thể liên quan đến việc thao túng, coi thường và sử dụng các biện pháp đe dọa trẻ.
Trẻ em bị lạm dụng tình cảm khi còn nhỏ có thể phát triển những nhận thức sai lệch về bản thân và phải vật lộn với chứng lo âu, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe khác khi trưởng thành. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hành vi lạm dụng tình cảm trong những ngày thơ ấu dẫn đến những thay đổi trong não bộ của trẻ em, điều này sẽ gây ra các bất lợi cho sự phát triển về cảm xúc và thể chất của trẻ.
4. Gia đình bất hạnh
Hình thức tổn thương này đề cập đến bất kỳ tình huống nào mà trẻ phải đối mặt trong phạm vi gia đình có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc và sự phát triển của trẻ. Điều này bao gồm bố mẹ ly hôn, bạo lực gia đình, có cha/mẹ lạm dụng chất kích thích hoặc có cha/mẹ phải đi tù.
Lớn lên trong một gia đình bất hạnh có thể ám ảnh đứa trẻ đến hết đời, dẫn đến cảm giác vô dụng, lòng tự trọng thấp và thiếu tự tin của đứa trẻ. Những đứa trẻ này cũng có nguy cơ cao hơn trong trở thành nạn nhân của phân biệt đối xử hoặc bạo lực học đường.
5. Bị bỏ rơi bởi cha mẹ
Một đứa trẻ bị bỏ rơi khi cha mẹ hoặc người chăm sóc không cung cấp cho chúng những nhu cầu cơ bản của đời sống, bao gồm: thức ăn, chỗ ở, quần áo, chăm sóc y tế, tình cảm và giáo dục.
Bỏ bê thể chất trong những ngày thơ ấu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ, dẫn đến suy dinh dưỡng, chậm lớn và một số vấn đề sức khỏe khác. Bỏ bê tinh thần có thể dẫn đến sự thiếu phát triển về cảm xúc, lòng tự trọng thấp và khó hình thành các mối quan hệ lành mạnh. Bỏ bê giáo dục lại dẫn đến kết quả học tập kém, dân trí thấp và hạn chế về mặt cơ hội phát triển nghề nghiệp sau này trong cuộc sống.
Xin mời các bạn theo dõi bài viết: Nhận diện và đối phó với 10 kiểu nuôi dạy con độc hại của các bậc cha mẹ.
6. Bạo lực cộng đồng
Bạo lực cộng đồng là một vấn đề phổ biến và ảnh hưởng đến nhiều cá nhân sống trong cùng một khu vực. Nó liên quan đến những hành vi bạo lực hoặc tội phạm trong cộng đồng, chẳng hạn như việc chứng kiến hoặc trực tiếp là nạn nhân của hành hung, cướp bóc hoặc băng đảng.
Bạo lực học đường là một góc độ nhỏ hơn của bạo lực cộng đồng. Tuy nhiên đây lại là vấn đề rất phổ biến và là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự_tử ở lứa tuổi học sinh trong những năm gần đây ở Việt Nam.
Trẻ em bị bạo lực cộng đồng có thể gặp khó khăn trong việc tập trung, ngủ và điều chỉnh cảm xúc, dẫn đến các vấn đề ở trường lớp, khó hình thành các mối quan hệ với người khác và ngại tham gia vào các hoạt động xã hội.
7. Chấn thương y khoa
Chấn thương y tế trong những ngày thơ ấu có thể tác động sâu sắc và lâu dài đến sức khỏe thể chất, cảm xúc và tâm lý của trẻ em.
Chấn thương y tế xảy ra khi một đứa trẻ trải qua một căn bệnh hoặc chấn thương nghiêm trọng, hoặc trải qua một cuộc phẫu thuật gây đau đớn, đáng sợ. Điều này bao gồm các bệnh lý mãn tính, nhập viện, phẫu thuật điều trị cho một căn bệnh nguy hiểm đe dọa tới tính mạng.
Về mặt thể chất, chấn thương y tế khiến trẻ em bị đau đớn, mệt mỏi và một số triệu chứng khác liên quan đến bệnh tật, thương tích hoặc tác dụng phụ trong quá trình điều trị. Về mặt tinh thần, nó cũng có thể phát triển một loạt các cảm xúc tiêu cực liên quan đến ngoại hình, sức khỏe cơ thể hoặc ảnh hưởng đến khả năng tham gia các hoạt động ở trường và xã hội của trẻ em.
Làm thế nào để vượt qua tổn thương trong những ngày thơ ấu?
Bất chấp tất cả những đau đớn, tủi nhục và dằn vặt mà bạn đã phải trải qua, may mắn thay, có nhiều cách để vượt qua các tổn thương trong những ngày thơ ấu để hướng tới một cuộc sống lành mạnh và viên mãn hơn. Dưới đây là một số cách để đối phó với các tổn thương thời thơ ấu:
1. Tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp
Tìm kiếm sự can thiệp, giúp đỡ từ các chuyên gia tâm lý chính là một trong những biện pháp tốt nhất giúp bạn vượt qua tổn thương trong những ngày thơ ấu.
Một chuyên gia tâm lý đã được đào tạo bài bản có thể cung cấp những hướng dẫn và hỗ trợ bạn phát triển các chiến lược để quản lý và đối phó với tổn thương tâm lý của bạn.
2. Kết nối với những người hỗ trợ
Đây là một trong những điều tốt nhất bạn nên làm cho bản thân nếu bạn đang cố gắng đối phó với sang chấn thời thơ ấu.
Xung quanh bạn luôn có những người thông thái, họ là người có cái nhìn tinh tường, nhiều kinh nghiệm sống và sẵn sàng lắng nghe, đưa ra cho bạn những lời khuyên hợp lý. Hãy cố gắng tìm kiếm họ, đó có thể là bạn bè, thành viên gia đình hoặc một người quen biết nào đó. Nếu một người là chưa đủ, hãy tìm tới sự giúp đỡ từ nhiều người, nhiều người có câu trả lời giống nhau thì đó sẽ là đáp án cho vấn đề còn tồn đọng của bạn.
Xin mời các bạn theo dõi bài viết: Làm thế nào để chia sẻ với bạn bè, người thân về chứng trầm cảm của bạn?
3. Xây dựng cơ chế đối phó
Phát triển các cơ chế đối phó lành mạnh là điều cần thiết nếu bạn đang cố gắng vượt qua tổn thương trong những ngày thơ ấu. Các cá nhân có thể học cách xác định các yếu tố kích hoạt cảm xúc tiêu cực và chiến lược để quản lý chúng, chẳng hạn như kỹ thuật thiền định, chánh niệm và bài tập hít thở sâu.
Xây dựng cơ chế đối phó với cảm xúc tiêu cực bằng thiền định, chánh niệm
Các kỹ thuật này sẽ giúp bạn kiểm soát căng thẳng và lo lắng. Tuy nhiên trong tình huống tồi tệ nhất, tức là những tổn thương thời thơ ấu quá lớn dẫn đến các vấn đề tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm thì các biện pháp này gần như không mấy hiệu quả. Giải pháp tốt nhất cho bạn khi đó sẽ là tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ chuyên gia tâm lý.
Xin mời các bạn theo dõi bài viết: Hãy để toàn bộ cảm xúc bị kìm nén của mình được giải phóng.
4. Thực hành sự tha thứ
Tha thứ cho những người đã gây ra tổn thương thời thơ ấu là một bước đầy thách thức nhưng mạnh mẽ trong quá trình chữa lành vết thương mà họ đã gây ra cho bạn.
Cần nhớ rằng, tha thứ không có nghĩa là quên đi hoặc bào chữa cho hành vi đó, nhưng nó có thể giúp các cá nhân buông bỏ sự tức giận để hướng tới sự chữa lành và trưởng thành về cảm xúc.
5. Thể hiện cảm xúc của bạn
Thể hiện cảm xúc thông qua các hoạt động viết lách, nghệ thuật hoặc các cách sáng tạo khác có thể là một công cụ hữu ích trong quá trình xử lý tổn thương thời thơ ấu.
Hoạt động sáng tạo có thể giúp các cá nhân khám phá và phát triển cảm xúc của họ theo cách an toàn và không phán xét, dẫn đến khả năng tự chữa lành tốt hơn.
6. Sẵn sàng đương đầu với những niềm tin tiêu cực
Những người từng trải qua tổn thương trong những ngày thơ ấu có thể có niềm tin tiêu cực về bản thân, người khác và thế giới. Những niềm tin này tác động đến suy nghĩ và hành vi của họ.
Hãy sẵn sàng đương đầu, thách thức những niềm tin tiêu cực và thay thế chúng bằng những niềm tin tích cực sẽ là một công cụ mạnh mẽ để vượt qua sang chấn thời thơ ấu.
7. Nắm lấy sự tích cực
Khơi gợi lại những trải nghiệm và cảm xúc tích cực có thể giúp các cá nhân thay đổi suy nghĩ của họ theo hướng tích cực hơn. Suy nghĩ thay đổi thì cảm xúc cũng ắt sẽ thay đổi theo.
Thực hành lòng biết ơn, tham gia vào các hoạt động mang lại niềm vui và ở bên cạnh những người tích cực có thể là chiến lược hữu ích để đánh bại và chữa lành vết thương trong những ngày thơ ấu của bạn.
Như vậy, bạn có một tuổi thơ hạnh phúc hay cũng đã từng trải qua một tổn thương trong những ngày thơ ấu? Bạn vẫn đang vật lộn hay đã vượt qua những cảm xúc tiêu cực này? Chúng tôi hy vọng bài viết trên đây sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu của bạn. Cám ơn các bạn đã đón xem!
Đăng nhập để tham gia bình luận
Hoặc
Bình luận không đăng nhập